Site banner
Thứ tư, 30. Tháng 4 2025 - 13:56

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Giới thiệu về Thị trấn Giồng Trôm

Thị trấn Giồng Trôm là thị trấn huyện lỵ của huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến TreViệt Nam.

Thị trấn có diện tích 11,84 km², dân số năm 2019 là 12.961 người, mật độ dân số đạt 1.122 người/km².

 

Thị trấn Giồng Trôm là 1 trong 22 xã của huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Từ thành phố Bến Tre theo đường tỉnh 885 đến thị trấn Giồng Trôm 18 km. Phía Bắc giáp xã Bình Hòa, Nam giáp xã Tân Thanh, Bình Thành, Đông giáp xã Châu Bình, Tây giáp xã Bình Hòa.

Thị trấn Giồng Trôm là trung tâm chính trị, kinh tế-văn hóa của huyện Giồng Trôm, có 3 khu phố (khu phố 1, khu phố 2, khu phố 3) và 3 ấp (ấp 5A, ấp 5B, ấp 6), các khu phố, ấp của thị trấn đều nằm cặp theo tỉnh lộ 26 nay là đường tỉnh 885. Diện tích tự nhiên 1.184 hécta, diện tích đất nông nghiệp là 1.009 hécta, nhân dân đa phần sống bằng nghề nông, ngoài trồng trọt còn chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tôm càng xanh, cá nước ngọt…nhân dân sống trong nội ô có nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp (như cơ khí, xay xát lúa gạo, nghề mộc), dịch vụ và mua bán.

Thị trấn Giồng Trôm có sông Hàm Luông chảy xuống Giồng Trôm (đoạn này gọi là sông Giồng Trôm) được hình thành do phù sa bồi đắp qua nhiều thế kỷ, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa. Sông Giồng Trôm và nhánh sông Bình Chánh đổ vào có nhiều rạch nối nhau tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Năm 1900, khi thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị ở Bến Tre, thì thị trấn là ấp Chánh của xã Bình Hòa (thuộc tổng Bảo Lộc quận Ba Tri), ấp Chánh (khi lập thị trấn có 3 ô là ô1, ô2, ô3, sau này là khu phố 1, khu phố 2, khu phố 3) với dân số khoảng 4.700 người. Cư dân là người Việt có một số ít người Hoa sinh sống khá lâu đời. Thị trấn có các tôn giáo: đạo Phật (có 3 chùa là chùa Huệ Quang,  chùa Huệ Khánh, chùa Huệ Nhãn), đạo Thiên chúa, đạo Cao Đài Ban Chỉnh (1 thánh thất Bình Hòa). Thị trấn có 2 đình: đình Bình Hòa và đình Bình Tiên, Đình Bình Hòa là một trong 20 ngôi đình lớn nhất ở tỉnh Bến Tre, có 1 sắc phong Thành Hoàng bổn cảnh, thời Tự Đức ngũ niên 1852, Ngày 07/01/1993 đình Bình Hòa được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, đình Bình Tiên nhân dân vẫn thờ Thành Hoàng bổn cảnh như đình Bình Hòa, thờ phượng, cầu nguyện bình yên cuộc sống và cũng là nơi thờ tiền hiền và hậu hiền những người có công mở đất khai khẩn, khai cơ sáng nghiệp, mỗi năm có lễ hội kỳ yên tổ chức một năm 2 lần gọi là lễ hạ điền và lễ thượng điền đây là hai lễ thể hiện phần hồn của đình, nhân dân đến tham dự đông đúc, cúng bái cầu cho quốc thới dân an, phong hòa vũ thuận (mưa thuận gió hòa). Thị trấn Giồng Trôm có 2 miễu là miễu Diều Gà ở ấp 6 và miễu Chín Bà ở khu phố 3, tục thờ cúng bà được nhân dân thị trấn duy trì cho đến nay thuộc tín ngưỡng dân gian. Xây dựng đình, miễu khi lập làng là chỗ dựa tinh thần cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng.

Vùng đất thị trấn xưa kia là vùng đất hoang vu đầy thú dữ, thời vua Gia Long năm 1808 cư dân thị trấn có nguồn gốc từ vùng Ngũ Quảng miền Trung và miền Bắc vào khai khẩn đất hoang lập nên thôn Bình Hòa (xã Bình Hòa và thị trấn Giồng Trôm ngày nay) thuộc tổng An Bảo, huyện Tân An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Hai kiến họ đầu tiên vào khai phá vùng đất này là họ Bùi và họ Võ. Theo những cụ cao niên kể lại ông Bùi Văn Vẹn vào khai phá vùng đất Bình Hòa, ông Võ Văn Hòa cùng người con là Võ Văn Điều có vợ là bà Đỗ Thị dẫn 4 người cháu (2 nam, 2 nữ) vào khai phá vùng đất ấp Chánh nay là Thị trấn Giồng Trôm. Lúc ban đầu vào định cư chỉ có một nhóm người, với tinh thần lao động cần cù khai phá cần mẫn, sau đó có thêm nhiều lưu dân chuyển cư vào vùng đất mới nhiều hơn, cư dân ngày càng nhiều nên việc khai phá mở đất, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt càng thuận lợi hơn, khu vực ấp Chánh đất đai dần mở rộng dân cư đông dần đã hình thành được khu vực dân cư lớn như ở Bến Miễu. Sau đó, hình thành chợ Giồng Trôm, chợ Bến Miễu khá sầm uất.

Khi lập thôn Bình Hòa, cuộc sống ổn định dần, cư dân quan tâm đến việc học của con em, những người biết chữ dạy cho những người chưa biết (đến thời Pháp thuộc mới có trường tiểu học Giồng Trôm và sau có Trường Trung học tư thục Bình Hòa ( ngày 10/01/2012 được tỉnh Bến Tre công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh), chỉ dạy đến lớp đệ tứ tức là lớp 9 ngày nay, muốn học lên phải lên học ở An Hội, tỉnh Bến Tre.

Năm 1956, chính quyền Sài Gòn đổi tên tỉnh Bến Tre thành tỉnh Kiến Hòa, thành lập thêm 3 quận Trúc Giang, Sóc Sải và quận Giồng Trôm. Về phía chính quyền cách mạng, đầu năm 1957, Tỉnh uỷ Bến Tre tách ấp Chánh xã Bình Hòa thành lập thị trấn Giồng Trôm gồm có 3 ô: là ô1, ô2 và ô3. Năm 1959, Tỉnh ủy Bến Tre thành lập huyện Giồng Trôm theo địa giới chính quyền Sài Gòn. Năm 1970, sáp nhập 2 ấp thuộc xã Bình Hòa: ấp Bình Ninh (thành ấp 5-thị trấn) và ấp Bình An (thành ấp 6) về thị trấn Giồng Trôm cho đến nay.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                       Võ Thanh Tùng

 

Nguồn: LỊCH SỬ ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN THỊ TRẤN GIỒNG TRÔM (Tư liệu Đảng bộ)