Site banner
Thứ tư, 30. Tháng 4 2025 - 22:02

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Thị trấn văn hóa Giồng Trôm

Sáng nay 29-7-2013, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Giồng Trôm long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Thị trấn văn hóa.

 Tuyến tránh đoạn đi qua Thị trấn sắp hoàn thành.

Để có được kết quả như ngày hôm nay, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Giồng Trôm luôn phát huy tinh thần yêu nước từ các Mẹ VNAH và nhiều tấm gương của liệt sĩ. Với tinh thần đó, nhân dân thị trấn Giồng Trôm rất hãnh diện khi đón nhận bằng công nhận Thị trấn văn hóa” - ông Nguyễn Văn Bé Sáu - Bí thư Đảng ủy Thị trấn - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa Thị trấn cho biết.

Từ ấp Chánh…

Theo ông Nguyễn Văn Bé Sáu, vùng đất này xưa kia hoang vu, đầy thú dữ. Đến thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong hai năm 1953 - 1954, phong trào kháng chiến ở ấp Chánh lên cao, lực lượng cách mạng ngày càng phát triển. Chi bộ Bình Hòa phát triển thêm đảng viên mới như: đồng chí Mười Chẩm, đồng chí Hai Hà, đồng chí Sáu Hoằng, đồng chí Mười Nữa… Chi bộ phân công các đồng chí này về đứng chân hoạt động ở ấp Chánh và thành lập tổ Đảng hợp pháp, do đồng chí Mười Chẩm phụ trách, để củng cố tổ chức quần chúng, khai thác các đầu mối trong quần chúng để phát triển đảng viên làm nòng cốt trong các giới lao động, tiểu thương ở chợ Giồng Trôm để tuyên truyền cách mạng.

Đầu năm 1957, Tỉnh ủy tách ấp Chánh để lập thị trấn Giồng Trôm, gồm 3 ô: 1, 2 và 3. Năm 1959, Tỉnh ủy Bến Tre thành lập huyện Giồng Trôm. Năm 1970, 2 ấp Bình Ninh và Bình An được sáp nhập về thị trấn Giồng Trôm đến nay. Năm 1972, thị trấn Giồng Trôm được Quân khu tặng bằng khen với thành tích tổ chức luồn sâu vô vùng địch vận động quần chúng nổi dậy giết chết và làm bị thương 72 tên địch tại thị trấn.

 … Đến thị trấn Giồng Trôm

Thị trấn hiện có 3 khu phố (khu phố 1, khu phố 2, khu phố 3) và 2 ấp (ấp 5, ấp 6). Năm 2009, ấp 5 được tách ra làm 2 ấp: 5A và 5B.

Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người gần 19 triệu đồng/năm. Thị trấn có 2.917 hộ, với 11.338 nhân khẩu; có 929 hộ giàu, 1.244 hộ khá, 216 hộ trung bình, còn lại nghèo và cận nghèo. Tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tập trung ở Thị trấn. Toàn thị trấn có 68 cơ sở tiểu thủ công nghiệp giải quyết việc làm cho hơn 454 lao động tại những cơ sở: xẻ gỗ, xay xát, hàn tiện… Thương mại, dịch vụ có 701 hộ, trong đó có 4 hộ kinh doanh vàng bạc, đá quý… Các ấp, khu phố có 8.437 người trong độ tuổi lao động (8.099 người có việc làm ổn định); trong đó, có 58 người đi xuất khẩu lao động. Thị trấn có 1 mô hình trang trại cấp huyện tại ấp 5B, doanh thu trên 1 tỷ đồng.

Lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng được nhiều ngành, nhiều cấp quan tâm và đông đảo người dân Thị trấn hưởng ứng. Giao thông đường bộ có tổng chiều dài gần 45km (đã trải nhựa, bê-tông gần 42km). Tuyến tránh Thị trấn Giồng Trôm sắp hoàn thành (đoạn đi qua Thị trấn dài gần 4km). Điện đã phủ kín toàn Thị trấn, gần 100% hộ sử dụng điện. Nhân dân đã xây dựng nhà kiên cố, không còn nhà tạm bợ dột nát. Đời sống văn hóa ngày càng lành mạnh, phong phú. Các thiết chế hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao được đông đảo người dân tham gia. An ninh trật tự, an ninh quốc phòng luôn giữ vững. “Nhìn chung, để đạt Thị trấn văn hóa như ngày hôm nay, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân, các mạnh thường quân trong và ngoài Thị trấn” - ông Nguyễn Thanh Khoa - Chủ tịch UBND Thị trấn cho biết.

Ông Nguyễn Văn Bé Sáu - Bí thư Đảng ủy Thị trấn cho biết, sau nhiều năm phấn đấu, Thị trấn đã đạt các danh hiệu lồng ghép: 8.649 “Người lớn gương mẫu”, 1.289 “Trẻ em chăm ngoan”, 2.796 “Gia đình văn hóa”, 2.596 “Hộ gia đình sức khỏe”, 1.063 “Hộ gia đình thể thao”, 967 “Gia đình hiếu học”. 108 tổ NDTQ mạnh, 5 tổ khá. 24/24 cơ quan đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị văn hóa”. 6/6 ấp được công nhận “Chuẩn an toàn về an ninh trật tự”.

Nguồn: Báo Đồng Khởi