Là một trong những nhà giáo Bến Tre có nhiều cống hiến cho cách mạng, thầy giáo Lê Quang Quới là tấm gương ngời sáng về lòng yêu nước. Ngày 26-6-2011, lễ giỗ lần thứ 42 của thầy đã được tổ chức trang trọng tại Trường Tiểu học thị trấn Giồng Trôm (Trường Trung học tư thục Bình Hòa xưa - nơi thầy Quới từng công tác). Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cùng nhiều cựu giáo viên, học sinh Trường Trung học tư thục Bình Hòa và gia đình thầy Lê Quang Quới đã về tham dự lễ. Cùng ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của thầy Lê Quang Quới tại lễ giỗ của thầy, nhiều người đã khóc vì xúc động...
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm hỏi những người con của thầy Lê Quang Quới. Ảnh: T.Long
Thầy Lê Quang Quới sinh năm 1933 tại xã Bình Hòa, Giồng Trôm (Bến Tre). Học xong bậc tiểu học tại quê nhà, thầy theo gia đình lên Sài Gòn và tiếp tục học ở Trường Trung học Pétrus Ký. Là người giác ngộ cách mạng từ rất sớm, thầy tham gia rải truyền đơn, vận chuyển vũ khí vào nội thành Sài Gòn khi còn là học sinh và đã từng bị giặc bắt bỏ tù ở nhiều nơi như Cần Thơ, Trà Vinh. Ra khỏi nhà giam, thầy vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia cuộc biểu tình của học sinh - sinh viên Sài Gòn chống thảm sát và đưa đám tang anh Trần Văn Ơn. Xuất thân từ một gia đình tư sản, buôn bán lớn ở Sài Gòn, sau khi đỗ vào Trường Cao đẳng cơ khí hàng không Đông Dương Pháp, thầy Quới đã được gia đình đưa sang Pháp học. Là một sinh viên giỏi, thầy Quới được Pháp trọng dụng làm chuyên viên cơ công cho các phi hành của Pháp. Dù công việc rất thuận lợi nhưng tình yêu quê hương nồng cháy đã thôi thúc thầy trở về xứ sở làm một nhà giáo bình dị và tiếp tục kiên định con đường tham gia cách mạng. Năm 1957, thầy trở về Bến Tre cùng người bạn đời dạy học ở Trường Trung học tư thục Bình Hòa (nay là Trường Tiểu học thị trấn Giồng Trôm), rồi giảng dạy ở các trường: Cộng Hòa, Phong Châu (thị xã Bến Tre, nay là TP.Bến Tre). Dù đời giáo chức có nhiều cơ cực, thầy vẫn làm tốt công tác của mình, rất có uy tín trong giới nhà giáo và trí thức Bến Tre. Năm 1960, thầy được bầu làm ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bến Tre. Tháng 6-1969, trên đường đi công tác, thầy đã bị địch phục kích và anh dũng hy sinh ở tuổi 36, tại xã An Khánh (Châu Thành) trong sự tiếc thương vô hạn của bạn bè, chiến sĩ đương thời.
“Nhất tự vi sư - Bán tự vi sư” là biểu ngữ được treo trang trọng tại ngày lễ giỗ của thầy đã phần nào nói lên sự kính trọng, thương yêu mà thầy để lại trong lòng các thế hệ học trò đã từng giảng dạy. Ông Nguyễn Văn Dễ - cựu học sinh của Trường Bình Hòa nói: “Thầy ra đi để lại tấm gương sáng cho nhiều thế hệ học trò, anh em đồng đội không chỉ về lòng yêu nước mà còn là những bài học về nhân cách sống và đạo làm người. Cả một đời, thầy Quới đã sống thật giản dị, chân chất, gần gũi, vị tha và thủy chung”. Người đồng nghiệp của thầy - cô giáo Phạm Thị Cẩn bày tỏ: “Tôi thực sự rất ngưỡng mộ Lê Quang Quới vì ý thức cách mạng rất cao, mạnh dạn dứt bỏ những điều kiện tốt khi được gọi làm việc tại Pháp, để trở về quê hương làm một người thầy giáo bình thường và tích cực tham gia cách mạng”. Tại lễ giỗ, cô giáo Phạm Thị Cẩn đã tặng cho gia đình thầy Lê Quang Quới quyển kỷ yếu Giáo dục Bến Tre giai đoạn 1945-2005, trong đó có đoạn nói về thầy Lê Quang Quới và Trường Trung học tư thục Bình Hòa.
Là một trong những người học trò thành đạt của Trường Trung học tư thục Bình Hòa, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chia sẻ tâm tư bằng sự gần gũi, chân tình: “Tôi là người có cơ hội được gần gũi thầy Lê Quang Quới trong công tác, chiến đấu và thường gọi thầy là “anh Tư”. Ngày ấy, anh Lê Quang Quới được người dân nhiều nơi tôn trọng gọi là giáo sư Lê Quang Quới. Khi tham gia chiến đấu, dù phải chịu nhiều vất vả, có đôi lúc ăn uống rất kham khổ nhưng anh vẫn luôn sống mẫu mực, chan hòa và tràn đầy ý chí chiến đấu, đặc biệt là luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Dù đi đâu, làm gì, tôi cũng không bao giờ quên hình ảnh thân thương của anh.” Một điều đáng trân trọng, góa phụ của thầy - bà Nguyễn Ngọc Tâm đã vượt qua bao gian lao, son sắt thờ chồng và nuôi dạy 6 người con khôn lớn, thành đạt. Dù gia đình đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh nhưng bà luôn hướng lòng về quê hương, thăm hỏi những người đồng nghiệp cũ của chồng và cũng là của bà.
Nguồn: Báo Đồng Khởi